Chương 26: Chương 26

4354 Chữ 25/06/2025

 

A Mạn đưa Tam phu nhân hồi phủ, cưỡi ngựa theo sát bên xe. Dọc đường đi nàng nghe thấy từ trong xe ngựa vọng ra tiếng khóc nghẹn ngào, không nhịn được nhíu mày đầy khó chịu.

Về đến Bùi phủ, tới trước cửa Trùy Hoa môn, Nhị phu nhân đích thân ra đón.

A Mạn chỉ vào xe ngựa:
“Tam phu nhân uống chút rượu, nhớ lại chuyện cũ nên trong lòng không được thoải mái.”

Nhị phu nhân hiểu ý, lập tức gọi hai bà tử tới đỡ Tam phu nhân xuống xe.

Tam phu nhân đôi mắt hoe đỏ, sắc mặt đầy u buồn, vừa trông thấy Nhị phu nhân bà lại hiện ra vẻ hoang mang mờ mịt.

Nhị phu nhân thấy bộ dáng bà như vậy liền phân phó:
“Mau đưa Tam phu nhân về phòng, hầu hạ cho cẩn thận.”

Đám hạ nhân vâng dạ, vội đỡ lấy Tam phu nhân lên chiếc kiệu mui vải xanh, vội vã đưa vào trong phủ.

Nhị phu nhân lại dặn một nha hoàn: “Dẫn Tam tiểu thư đến thư phòng nhỏ của Nhị tiểu thư, nói với con bé là lát nữa ta có chuyện cần bàn với Tam phu nhân, bảo nó cứ ở trong đó đọc sách giết thời gian nửa ngày.”

Nha hoàn nhận lệnh, bước nhanh rời đi.

A Mạn thầm gật đầu, mỉm cười nói: “Ta muốn trò chuyện vài câu với phu nhân.”

Vừa nói vừa bước lên bậc tam cấp trước cửa Trùy Hoa môn.

Nhị phu nhân theo sát phía sau, cũng mỉm cười: 

“Vinh hạnh cho ta.”

Dứt lời bà ra hiệu cho đám tỳ nữ hầu hạ đi cách phía xa xa.

A Mạn vừa đi vừa nói:
“Phu nhân có từng đề cập qua trong thư rằng Tam phu nhân từng bệnh liệt giường hơn một tháng. Mà trước đó, Lão phu nhân và Đại phu nhân đột nhiên cần gấp một khoản ngân lượng. Phu nhân có biết nguyên do không? Nếu phu nhân nhớ ra, thì ta khỏi phải tốn công vòng vèo điều tra.”

Ý này nói ra biểu thị một phần tin tưởng, khiến Nhị phu nhân trong lòng đã thấy mãn nguyện: “Để ta nhớ lại đã.”

Sau đó bà hơi ngập ngừng giải thích:

“Ta và Lão phu nhân, Đại phu nhân thường vì tiền mà xảy ra tranh cãi. Cũng không phân biệt thời điểm, từ lễ cưới hỏi đến tết nhất giỗ chạp lúc nào cũng có thể xung đột bất hòa.”

Nếu cứ lấy những chuyện như vậy mà gắn với âm mưu quỷ kế, thì đúng thật là mệt chết người.

A Mạn mỉm cười: “Phu nhân cứ từ từ mà nhớ.”

Nhị phu nhân lần theo trí nhớ tìm đầu mối, thời điểm ấy Bùi Tranh đang chinh chiến ngoài sa trường, quân nhu triều đình tiếp tế không đủ, quân địch lại hung tàn gian xảo, thắng bại khó phân, thương vong thảm trọng, cho nên…

“Nghĩ ra rồi. Lúc ấy Lão phu nhân, Đại phu nhân muốn ‘chạy cửa’ Binh bộ, định tìm cách xin điều chuyển Đại ca về nơi khác.

Nhị gia, Tam gia và ta đều cho rằng đó là chuyện hoang đường. Thứ nhất, dù có điều lệnh thì Đại ca cũng sẽ không chịu rút lui. Khi ấy vị thống soái chủ quản coi huynh ấy như nhi tử thân sinh. Hai vạn tinh binh dưới tay huynh trưởng, đều là huynh trưởng trực tiếp huấn luyện suốt bao năm, sao có thể bỏ rơi được?

Thứ hai, chuyện này chẳng khác nào một cái bẫy gài khiến Đại ca mang tiếng nhát gan sợ chiến. Dù Binh bộ có đồng ý hay không thì cũng khó bảo mật hoàn toàn. Một ngày nào đó tin tức bị rò rỉ, huynh ấy chẳng hóa thành kẻ tội đồ sao? Một người có cốt khí như huynh ấy sao chịu nổi vết nhơ đó?”

A Mạn gật đầu đồng tình. Điều quý giá nhất của một vị tướng là dù trọng thương cũng quyết không rút lui, dù biết phía trước là cửa tử cũng không sờn lòng.

Nhị phu nhân kể tiếp:
“Lão phu nhân với Đại phu nhân không nghe lời khuyên răng, tự mình chạy vạy các mối quan hệ khắp nơi. Tiền bạc đổ ra như nước chảy, bọn họ cố gắng làm thân, kết giao với đám phu nhân thứ phẩm trong Binh bộ, nhờ họ giúp tìm cách bắc cầu với quan  trên. 

Nhị gia với Tam gia nổi trận lôi đình, nhờ ta nghĩ cách khống chế sổ sách và các chưởng quỹ – bọn họ không còn tiền xài thì cũng chẳng thể mặt dày đi vay mượn khắp nơi.

Trong đám nha hoàn hồi môn của ta có một người từng làm đại chưởng quỹ nhiều năm, chỉ mất vài ngày đã giúp ta xử lý xong mọi việc. Dù sao thì hai người họ cũng chỉ biết sơ qua sổ sách, bị qua mặt cũng không phải chuyện gì khó.

Bọn họ muốn động đến mấy món báu vật truyền đời cất trong kho ngoại viện, nhưng quản sự ngoại viện cũng chẳng phải lúc nào cũng có thể ngăn được. Thế là ta… ta bảo Nhị gia và Tam gia nêu ý định chia gia sản. Hai người kia dứt khoát không chịu, nếu chia nhà thì chẳng phải bao công sức lôi kéo ta vào phủ này cũng đổ sông đổ biển sao.”

A Mạn mỉm cười.

Thấy nàng không có vẻ gì là không vui, Nhị phu nhân khẽ thở phào một hơi, rồi tiếp lời:
“Sau đó, họ bắt đầu nhắm đến ta. Ta đã sớm có phòng bị, đem của hồi môn chuyển sang căn nhà hồi môn riêng, trong phòng chẳng để lại món gì đáng giá. Hai người ấy xem xong kho đồ riêng đã trống rỗng của ta, lại bắt ta đi vay nhà mẹ đẻ một vạn lượng bạc.

Ta liền bảo họ trước tiên trả nợ cho ta đi đã, lúc mới về làm dâu, họ chẳng ít lần lấy từ tay ta ba trăm, năm trăm lượng. Thế là họ buông ra đủ lời mắng nhiếc, nào là tiện nhân, nào là kỹ nữ, ngay cả đào kép hạ đẳng cũng còn hơn ta, mấy câu như thế mà cũng nói ra miệng được.

Ta tức quá. Dù sao ta cũng là mẫu thân của mấy đứa nhỏ, nếu cứ để mặc họ làm càn thì sau này con cái sẽ nhìn ta bằng ánh mắt gì đây? Thế là ta liền trở mặt, nói rằng của hồi môn đã mất sạch rồi? Nếu vẫn cố chấp muốn có được vậy thì cùng nhau tới tộc lão phân xử.

Họ không dám đối đầu thẳng mặt với các tộc lão nên giận đến phát run, dọa sẽ nói Nhị gia viết hưu thư bỏ ta. Ta liền nói sẽ tới Thuận Thiên phủ cáo trạng, để xem ta phạm điều nào trong thất xuất, cũng tiện thể nhờ quan gia tìm lại của hồi môn giúp.”

A Mạn nhoẻn miệng cười:
“Sau đó, bọn họ mới chịu rút lui?”

Nhị phu nhân có chút xấu hổ:
“Hôm ấy họ đuổi ta về phòng riêng của ta nhưng sau đó lại năm lần bảy lượt nhắc lại chuyện vay mượn. Ta vẫn dùng chiêu cũ ứng phó, cuối cùng thì Lão phu nhân còn miễn cho ta cả việc vấn an sớm tối, bảo rằng nhìn thấy ta thì giảm thọ.”

Những hành vi mà chính bà cũng thấy là "chua ngoa đanh đá" thế này, nếu không phải do Hành Chiêu cho người đến hỏi, bà tuyệt chẳng bao giờ kể ra với ai.

A Mạn gật đầu:
“Ta hiểu rồi.” Nói xong liền dừng bước.

“Từ nay về sau, cứ để Tam phu nhân muốn sao thì tùy bà ta vậy.”

“Ta đã ghi nhớ rồi. Có điều…” Trong mắt Nhị phu nhân thoáng hiện vẻ do dự: “Năm đó bọn họ làm như vậy, liệu… có đúng không?”

Nếu như kế hoạch hồ đồ năm đó có cơ may thành công, vậy thì Bùi Tranh đại ca sẽ không phải bỏ mạng nơi sa trường.

A Mạn nghiêm mặt đáp: “Làm đúng rồi. Sĩ khả sát bất khả nhục, thà đứng mà chết, không quỳ mà sống, đều là lời gan ruột của bậc tướng sĩ thực thụ.” Đây là điều nàng có thể thay Bùi Hành Chiêu mà trả lời.

Nhị phu nhân nghe vậy, lòng mới buông xuống được phần nào, nhưng cảm xúc trong ánh mắt vẫn có phần u ám: “Thái hậu nương nương hiện nay vẫn ổn chứ? Chuyện phiền lòng nhiều đến vậy, ta chỉ mong người có thể sớm nhìn thấu, buông xuống một chút.”

“Không cần phu nhân quá lo.” A Mạn nói: “Thái hậu nương nương còn có nhiều việc phải xử lý, chẳng rảnh mà mãi dây dưa với ai.”

Nhị phu nhân nghĩ lại thấy cũng đúng, trong lòng liền an ổn được phần nào.

Sau đó A Mạn cáo từ rời khỏi phủ họ Bùi , xử lý xong một vài việc rồi mới hồi cung, đem toàn bộ lời Nhị phu nhân nói thuật lại cho Bùi Hành Chiêu nghe.

Chuyện năm đó Nhị phu nhân từng cùng Lão phu nhân và Đại phu nhân đấu đá thế nào, Bùi Hành Chiêu nghe xong cũng không nhịn được mà bật cười. Đối phó với loại người vô liêm sỉ, chẳng phải đúng là cần phải “chơi ngu, làm liều” sao?

Sau đó nàng lại tổng hợp suy xét toàn bộ, đoán ra được vì Nhị phu nhân từng bị làm nhục, mà lúc đó hai mẹ con Lão phu nhân gần như phát điên vì bạc nên liền lôi Tam phu nhân ra để trút giận.

Còn Tam phu nhân, trong lời nói rõ ràng cố ý né tránh, không nhắc tới nguyên nhân thực sự. Lúc ấy hai mẹ con kia nhất định không thể không nhắc đến chuyện cần tiền gấp, mà Tam phu nhân lại biết rõ mọi chuyện từ trước: phu quân của bà cùng đôi vợ chồng nhà Nhị phòng có nhiều hành động như vậy, bà hoặc người trong phòng bà lại không biết gì sao? Tính tình dù có trầm mặc đi nữa thì cũng đâu phải người mù người điếc? Huống hồ trong khuê phòng vợ chồng, Tam thúc lại có thể không hé chuyện nửa lời?

Chỉ bởi chuyện liên quan đến phụ thân của Bùi Hành Chiêu, nên Tam phu nhân không dám nói ra.

Dù vì lý do gì đi nữa, cũng không thể là lý do để hai mẹ con kia tùy tiện làm nhục và hành hạ bà ta; cũng như, dù có lý do gì đi nữa, cũng không thể là lý do để Tam phu nhân gây ra cái chết cho huynh trưởng của nàng.

Bùi Hành Chiêu chẳng qua chỉ muốn làm rõ từng mối một.

Chạng vạng, Yên vương đến thỉnh an Thái hậu.

Bùi Hành Chiêu bật cười, sai người đưa hắn đến thư phòng.

Yên vương mặc cẩm bào có thêu hình rồng, tay cầm một phong công văn, vừa vào cửa liền cung kính dâng lên cho A Mạn, rồi hành lễ thỉnh an.

Bùi Hành Chiêu ra hiệu cho hắn ngồi, bảo cung nhân dâng lên một chén trà Đại Hồng Bào, rồi từ tay A Mạn đón lấy phong công văn kia, “Là gì vậy?”

Yên vương tươi cười rạng rỡ: “Sáng nay nghe nói Tam phu nhân vào cung, thần nhớ lại năm xưa từng có lần ra tay điều tra toàn bộ thân bằng quyến thuộc của Thái hậu. Công phu bỏ ra không hề ít, lúc ấy còn tưởng một phen uổng phí, giờ nghĩ lại, cũng chưa hẳn.”

Dòng tộc bên họ Bùi, Bùi Hành Chiêu trước giờ chưa bao giờ dám tự xưng là nắm rõ trong lòng bàn tay. Không có cách nào khác, trước kia quả thực nàng chẳng thể bận tâm, hễ ai nhảy ra gây chuyện thì nàng chỉ biết đến người đó.

“Có lòng rồi.” 

Nàng nói: “Ngươi muốn dùng cái này để đổi lấy điều gì?”

Yên vương hơi cau mày, thầm nghĩ đây là coi thường ai vậy chứ, nhưng hắn không nói ra suy nghĩ của mình: “Trưởng công chúa Tấn Dương chậm nhất là trưa mai sẽ vào hoàng thành. Trong cung tất nhiên phải nghênh đón tẩy trần cho nàng. Trước kia nàng từng nói, sau khi hồi kinh muốn cùng Thái hậu công khai luận bàn cờ nghệ thư pháp. Thần chỉ mong ngày mai Thái hậu nể mặt, để thần được mở rộng tầm mắt.”

Bùi Hành Chiêu chờ một lát rồi mới đáp: “Nói xong chưa?” Hắn nói đến toàn những chuyện nàng không có lý do, cũng chẳng thể tránh né.

“...Nói xong rồi.” Yên vương ấm ức. Dâng cả lòng nhân tình của hắn cho nàng mà nàng lại khiến người ta mắc nghẹn trong lòng.

Nhưng nghĩ lại thì… cũng chẳng thể trách nàng.

Người ngoài chỉ biết hắn từng nhảy nhót đòi cưới nàng, xong bọn họ lại không biết, chuyện ấy vốn bắt nguồn từ một mối oán thù sâu đậm.

Ban đầu, hắn muốn cưới nàng về vương phủ để hai người đối mặt phân rõ trắng đen, nếu nàng sai, thì nàng để hắn xử trí; nếu hắn sai, thì mặc nàng róc thịt. Kết quả thế nào thì khỏi cần nói nữa.

Bùi Hành Chiêu gật đầu: “Được. Ngươi không ngại giúp Tấn Dương nghĩ vài chiêu làm khó ai gia.”

Yên vương không buồn tiếp lời, chỉ uống một ngụm trà.

Bùi Hành Chiêu nhìn hắn với vẻ mặt ngắc ngứ, thầm nghĩ: ngươi sao còn chưa cút? Ta cũng đâu thể vừa mới nhận nhân tình xong đã lập tức dâng trà đuổi khách.

Trà thì đúng là không tệ. Yên vương uống xong, sắc mặt giãn ra, cười nói: “Lần trước Thái hậu và Tấn Dương đối cờ là ở Giang Nam, tương truyền rằng, vào lúc đó có hơn ngàn dân chúng trong thành vây xem. Hai người đấu cờ mù, mỗi người thắng một ván, ván cuối hoà cờ, ấy cũng là một giai thoại.”

Bùi Hành Chiêu nói câu xã giao: “Là Tấn Dương nhường ai gia thôi.”

“Thần lại thì nghĩ ngược lại, vì vậy mới càng mong đợi ván đấu ngày mai.”

Bùi Hành Chiêu mỉm cười, “Nghĩ sao cũng được, chỉ là, e rằng ngày mai Tấn Dương sẽ không có tâm trạng để đối cờ với người khác.”

Yến Vương đối với nụ cười lúc này của nàng vô cùng quen thuộc, trông chẳng khác nào một con sói nhỏ đang nghẹn đến phát cuồng, hắn liền buột miệng nói: “Còn muốn chọc tức nàng ấy nữa à? Người cũng đủ rồi. Nàng ấy đã hai mươi tám rồi, đâu chịu nổi cứ bị uất ức mãi như vậy được.” Tâm tư hắn chắc như đinh đóng cột rằng mấy chuyện giết người phóng hỏa kia chính là nàng làm.

Hàng mi dài của Bùi Hành Chiêu khẽ phủ xuống, nàng nghiêng mắt nhìn hắn: “Lại muốn tùy tiện vu tội cho ai gia sao?”

“Không dám.” Yến Vương bật cười, vừa định nói thêm thì có cung nhân ở ngoài bẩm vào:

“Khải bẩm Thái hậu nương nương, Yến Vương điện hạ, Hoàng thượng có chỉ thị muốn cùng Yến Vương dùng bữa, đã sai người tới mời.”

Bùi Hành Chiêu nói: “Vừa hay, Yến Vương đang có ý định đi thỉnh an Hoàng thượng.”

Yến Vương đen mặt đứng dậy cáo từ, trong lòng nghĩ: Hoàng thượng sao lại hồ đồ như vậy?

Lại không phải là sợ hắn cư xử quá trớn, nên muốn giúp vị tiểu Thái hậu này tránh hiềm nghi sao? Nhưng cũng không cần làm lộ liễu ‘mời hắn dùng bữa’ như vậy. Tất nhiên chính bản thân hắn cũng biết rõ Bùi Hành Chiêu khinh thường hắn đến mức nào, người trong cung ai nấy đều hiểu rõ trong lòng, bằng không thì chẳng phải cuộc gặp mặt này trở thành trò cười sao? Hắn cũng chẳng bận lòng.