Chương 33: Chương 33

13032 Chữ 28/06/2025

 

Bùi Hành Chiêu nghiêm túc nhìn Hoàng đế:
“Hoàng thượng thật sự, từ tận đáy lòng phản đối tấu sớ của Vu Các lão sao?”

“Dĩ nhiên là phản đối rồi.”

Hoàng đế dở khóc dở cười: “Trẫm chẳng phải chưa từng đến quân doanh, cho nên rất rõ quân công của các tướng sĩ là đổi bằng cái gì. Đích thực có người là vì bất đắc dĩ mới nhập ngũ nhưng phần lớn đều giống như người vậy – là vì lý tưởng, vì quốc gia xã tắc mà chẳng màng sinh tử.

Lùi lại một vạn bước, cho dù người cho rằng những lời trẫm vừa nói chỉ là khách sáo thì trẫm vẫn có lý do thực tế để phản đối: Nội loạn ngoại hoạn mới chấm dứt được bao lâu đâu? Trẫm vừa đăng cơ mà đã thu hồi lại ruộng đất được ban thưởng, chẳng phải sẽ khiến bao võ quan thất vọng sao?

Đến lúc đó người cũng đừng mơ được yên thân – không thì cũng là suốt ngày nhận được tấu chương oán trách gửi đến, hoặc là hàng đoàn mệnh phụ tiến cung, khóc lóc cầu xin người làm chủ thay phu quân của họ. Bao nhiêu võ quan ôm oán, tất kéo theo quân tâm bất ổn. Người mà muốn trấn an từng người thì cần bao lâu? Chưa kịp trấn an xong-, quân đội đã sinh biến rồi.”

Một lời nói ra, tình lý đầy đủ, khiến Bùi Hành Chiêu gật đầu tán thành:
“Ai gia không phải không tin Hoàng thượng, chỉ là nếu thực sự muốn ‘di họa sang người khác’, e cũng không đơn giản gì – chắc chắn lại sẽ có người dâng tấu hoặc tiến cung tìm Hoàng thượng để khóc lóc kể khổ.”

“Chỉ cần không đến mức khiến võ quan kết bè chống triều đình thì chuyện gì cũng dễ thương lượng.”

Hoàng đế cười hì hì không đứng đắn: “Huống hồ chẳng phải còn có người sao? Nếu tấu chương nhiều thì người chia giúp trẫm một nửa, văn nhân tiến cung lắm thì người cũng tiếp hộ trẫm một nửa là được.”

“Được thôi.”

Bùi Hành Chiêu bật cười, lần thứ một trăm lẻ một cảm thấy kỳ quái – cái đầu của vị Hoàng đế này rốt cuộc khác với các Tiên đế trước ở chỗ nào? Có phải là lười đến mức chẳng buồn giấu giếm, trong đầu suốt ngày nghĩ cách kéo thêm người vào giúp hắn xử lý việc triều chính, trái ngược hoàn toàn với các bậc Đế vương đời trước chỉ biết ôm việc vào người.

Hoàng đế hơi nghiêng người về phía trước, vẻ mặt mong đợi:
“Vậy người mau nói xem, rốt cuộc đã nghĩ ra diệu kế gì?”

Lúc Thái hậu đang thì thầm bàn kế với Hoàng đế, thì bên kia, Sở vương và Yên vương đã bước vào biệt viện của Trưởng công chúa. Sắc mặt bọn họ trầm lạnh, ngồi xuống đại sảnh trong thư phòng.

Một lát sau, Tấn Dương công chúa nhàn nhã bước vào, cử chỉ thong dong ngồi xuống đối diện.

Hai người kia vội vàng đứng dậy hành lễ, sau đó mới quay lại chỗ ngồi. Sở vương cau mày:
“Hoàng tỷ hôm nay dùng chiêu này có phần quá mức rồi. Sao đi dạo một vòng, lại đánh mất cả khí độ lo việc lớn của người ngày thường thế?”

Tấn Dương nhàn nhạt nở nụ cười:
“Tin tức linh thông thật, chưa đợi Hoàng thượng hạ triều đã mò tới chỗ ta rồi?”

Sở vương cau chặt đôi mày:
“Người có nghĩ đến không, chuyện này sẽ kéo theo hệ lụy rộng đến mức nào? Nếu võ quan nổi loạn, quân binh làm phản, vậy phải làm sao?”

“Chẳng phải còn có Thái hậu – kỳ tài nơi sa trường đứng ra gánh vác đó sao?”

Tấn Dương thản nhiên đáp: “Có nàng tọa trấn triều cương, ai còn dám làm loạn? Nếu thật có kẻ không biết sống chết đâm đầu vào, nàng có thể dễ dàng diệt trừ vậy chẳng phải càng hay sao? Giết một để răn trăm.”

Sở Vương càng nghe càng nổi giận:
“Thái hậu làm sao có thể giết chính người của mình? Huống chi, dù chỉ là một động binh nhỏ thì cũng là nội loạn. Không biết lại bao nhiêu người phải chết, hại biết bao bá tánh không còn chốn dung thân.”

Tấn Dương lại có lý lẽ riêng của mình:
“Giờ thiên hạ đã yên, cũng là lúc nên trọng dụng văn thần. Bọn võ quan ấy một lòng trung thành với Thái hậu, mà Thái hậu nay lại nhiếp chính, hành sự tất sẽ va chạm với văn thần. Có Thái hậu làm chỗ dựa lâu dần họ sẽ sinh ra khí thế ngông cuồng, thậm chí làm lũng đoạn triều đình, can dự quốc kế dân sinh.

Cho nên trước khi bọn họ kiêu căng ngạo mạn đến mức không ai trị nổi thì nhất định phải ra tay trấn áp, để họ hiểu rằng, dù có Thái hậu che chở thì cũng có ngày phải chịu khuất tất.

Nếu thực lòng trung thành với Thái hậu thì hãy cùng người nhẫn nhịn; còn nếu chỉ biết nghĩ đến lợi ích bản thân, vậy thì rửa cho sạch cổ để chờ Thái hậu đích thân chém đầu thị chúng.”

“Nghe thử xem, ngươi còn nói như có lý lẽ lắm.”

Yên Vương hừ lạnh. Hắn vốn là đường đệ của Tấn Dương, trước nay cũng chẳng mấy khi cung kính với nàng, nay càng chẳng buồn giữ thể diện đôi bên.

“Thái hậu chẳng lẽ không biết cách điều người? Chẳng lẽ không hiểu phải làm sao để khiến võ tướng an phận thủ thường?”

Tấn Dương liếc hắn một cái, nụ cười nhạt mang sắc thái chẳng ấm chẳng lạnh:
“Thái hậu lòng dạ từ bi, từ trước đến nay luôn xem tướng sĩ như huynh đệ thủ túc. Ngươi nói thì dễ nhưng thử nghĩ xem nàng ta có làm được không?”

Nàng dừng một nhịp, rồi lại nói:
“Chẳng phải ngươi vốn cũng chẳng thuận với Thái hậu sao? Mà giờ lời lẽ sao lại bênh vực nàng ta tới mức này?”

Yên Vương cười nhạt, giọng lạnh tanh:
“Trước đây ta bất hòa với Thái hậu chẳng phải cũng là do tên lão dưa muối – Yêu Thái phó ban cho ta đấy à?

Út tử của hắn, cộng thêm hai đứa cháu ngoại, trước khi nhập doanh đều có giao tình thân thiết với ta. Ba người ấy gây tội bị xử theo quân pháp, thế nhưng họ Diêu kia liền cắn răng đổ hết cho Thái hậu. Nói nàng ỷ vào thánh ân mà hành xử ngang ngược, cố ý lấy con cháu hắn ra để lập uy. Mà thôi, lập uy thì cũng đành nhưng hắn còn bôi nhọ ba người đó một trận tan nát.

Cũng trách ta không thể ngờ được một lão già nhìn thì đạo mạo, thế mà khi nói dối lại chẳng hề chớp mắt, khiến ta tin tưởng là thật. Đã tin thì đâm ra suốt ngày lớn lối đòi Thái hậu cho một lời công đạo. Mà nàng thì vốn chẳng buồn để tâm, cứ thế qua lại vài phen suýt nữa thành mối thù thật rồi.”

Sở Vương nghe xong thoáng sửng sốt – những điều vừa nghe, trước nay hắn hoàn toàn không hề hay biết. Chỉ nhớ hồi ấy Yên Vương như kẻ phát cuồng, khi thì dâng tấu vạch tội Thái hậu, khi thì lại nằng nặc đòi cưới nàng làm Vương phi.

“Thế bây giờ thì sao?”

Hắn không nhịn được hỏi: “Ngươi biết là trước kia đã hiểu lầm Thái hậu rồi chứ?”

Yên Vương khẽ hừ một tiếng, lại tiếp tục chửi rủa Diêu Thái phó: “Cái lão già bất tử ấy, hại ta chẳng ít đâu.”

Sở Vương không nhịn nổi, bật cười thành tiếng.

Yên Vương liền quay sang Tấn Dương mà móc mỉa:
“Cái lão già bất tử ấy chẳng phải tâm phúc số một của người sao? Đến lúc này rồi, điện hạ ngài cũng nên thú thật một câu xem, cái chuyện lão ta bưng bít không nhận con trai và cháu ruột có phần công lao nào của người trong đó hay không?”

“Ta việc gì phải xen vào chuyện riêng tư của người khác?” Tấn Dương rõ ràng không vui, nhưng cũng không muốn vì kẻ vứt bỏ con kia mà xảy ra tranh cãi với Vương gia, nên dịu giọng nói:
“Ngươi cũng không nghĩ xem, mấy năm nay ta không ở kinh thành. Lại không cùng chỗ với Thái hậu, ta sao mà biết trong quân doanh của nàng từng xảy ra chuyện gì.”

Nói như không nói. Yên Vương đã hết kiên nhẫn, đứng bật dậy, nghiêng đầu nói với Sở Vương:
“Thôi được rồi, nàng ta không chịu nói rõ, huynh đệ ta đi chỗ khác dạo một vòng cho thoáng.”

Sở Vương bật cười đáp lời, cũng đứng lên cáo từ.

Tấn Dương chẳng buồn giữ lại.

Yên Vương chắp tay sau lưng, vừa bước ra khỏi điện vừa cười cợt nói với Tấn Dương:
“Trưởng công chúa tuổi cũng không còn nhỏ sao còn chưa nghĩ đến chuyện tìm kiếm một lang quân, hưởng chút thú vui tề gia giáo tử? Bao giờ người nghĩ thông rồi thì nói với ta một tiếng, ta sẽ làm mối cho, ngoài kia người nhiều chọn đến không kể xiết.”

Tấn Dương nghe vậy tức đến mức phải mắng chửi:
“Tiểu tử thối, cút cho mau!”

Yên Vương và Sở Vương tách nhau lên xe ngựa, thong thả tiến cung, thẳng hướng Thọ Khang cung. Giống như lần trước, đợi một lúc thì được mời vào thư phòng.

Trên án thư chất đầy công văn và tấu chương. Thái hậu Bùi Hành Chiêu đang cúi mình viết, không đợi bọn họ hành lễ, đã hỏi:
“Ngồi đi. Có chuyện gì?”

Sở Vương thấy Yên Vương không mở lời trước, đành uyển chuyển bày tỏ:
“Thần có nghe sự việc trên triều, trong lòng thực sự phẫn nộ nên liền đến đây xem Thái hậu có phương kế ứng phó gì không, muốn góp chút sức lực thay người.”

“Vương gia có lòng, ai gia xin nhận.”

Bùi Hành Chiêu tay vẫn không ngừng viết, khẽ gọi nội thị dâng lên hai chén trà thượng hạng Vân Vụ cho khách. “Việc Vu các lão tiến gián, Yên Vương cũng phản đối?”

“Đương nhiên là vậy.” Yên Vương liếc nàng một cái, như thể muốn nói: bằng không ta đến đây làm gì?

“Thật là ngoài dự liệu của ai gia.”

“Chuyện nào ra chuyện nấy, người tưởng ta là kẻ hồ đồ sao?”

Có thể đem việc quân pháp xử ba tên cặn bã kia, từ hiểu lầm tranh chấp rồi kéo cả hôn sự vào cùng một chỗ, thì thật là quá ‘rõ ràng rành mạch’. Bùi Hành Chiêu tranh thủ lúc nhàn tay, khẽ liếc hắn một cái, nửa cười nửa trêu, ánh mắt mang ý châm chọc chẳng thèm che giấu.

Yên Vương siết chặt quai hàm, cằm khẽ co giật.

Sở Vương nhìn Yên Vương, liền đoán ra ngay: tên này chỉ tự mình hóa giải hiểu lầm, nhưng lại chưa từng nói rõ với Thái hậu. Trong lòng hắn không khỏi buồn cười.

“Thôi, mấy chuyện có cũng như không ấy đừng nhắc đến nữa.”

Yên Vương nói, giọng điệu cố ý thu liễm: “Nếu Thái hậu có việc cần người truyền lời hoặc chạy chân sai vặt thì cứ mở miệng phân phó là được.”

Nàng thuở trước tính tình ngạo mạn thật khiến người ta tức nghẹn, nhưng lòng thương dân như con của nàng thì không phải bậc Đế vương hay danh thần thông thường nào cũng làm được. Vậy mà nay lại bị Tấn Dương và đám triều thần lợi dụng chính phẩm hạnh quý giá ấy mà mưu hại, e là trong lòng nàng đã lạnh lẽo đến tận cùng.

Là người đứng ngoài cuộc mà nhìn vào, không khỏi cảm thấy nàng còn thảm hơn cả đứa trẻ bất hạnh, nghĩ đến thì bực thay nàng – nếu giờ đây không giúp được chút gì thì sau này cũng chớ dám tự xưng là bậc nam nhi có đại nghĩa.

Bút trong tay Bùi Hành Chiêu thoáng khựng lại, nàng ngẩng đầu nhìn hai vị Vương gia kia, khóe môi cong lên một nụ cười hàm ý sâu xa:
“Nhị vị có nghĩ được cách gì hóa giải không?”

Yên Vương vẫn giữ lối thẳng thắn:
“Cái lão họ Vu kia chắc chắn chẳng trong sạch gì. Chỉ cần ầm thầm điều tra hắn, diệt hắn!”

Sở Vương nghe vậy toát mồ hôi lạnh:
“Ngươi chỉ là đang trị ngọn, không trị gốc. Dẫu hôm nay mấy kẻ đó có chết sạch thì những lời chúng rót vào tai đám văn thần đã chất đầy một xe, sợ rằng đã có không ít kẻ đang lục tục rục rịch muốn ra tay. Nếu lúc này xảy ra chuyện bất trắc chỉ khiến đám người đó càng thêm phẫn nộ.”

“Thế thì làm gì đây?”

Yên Vương từ lúc nghe chuyện đã thấy nhức đầu, mà đầu nhức lâu thì liền hóa giận:

“Bọn chúng nói mấy lời quàng xiên ấy rót vào trong tai đám văn thần lâu dần cũng lại thành điều hợp tình hợp lý, thế nhưng lại còn dám lôi cả Thái hậu vào. Lại lỡ như nếu có vị võ quan nào đầu óc không tỉnh táo, còn tưởng là Thái hậu muốn 'qua cầu rút ván'!”

“Qua cầu rút ván gì chứ?”

Bùi Hành Chiêu nhíu mày, không vui nói:
“Nói chuyện cho nghiêm chỉnh, đừng có ví von bậy bạ.”

Yên Vương bật cười:
“Thần sẽ chú ý. Chỉ là thần bị chọc giận quá thôi. Chúng thần vừa đến tìm Tấn Dương, nói mấy câu thì nàng ta chẳng buồn đáp lời nào cho tử tế.”

“Nhị vị có lòng, ai gia ghi nhận.” Bùi Hành Chiêu nhẹ giọng đáp.

Sở Vương vừa suy tư vừa cất lời:
“Thường thì khi triều đình vừa có chuyện lớn, muốn áp xuống chuyện lớn này chỉ có thể khiến một chuyện lớn hơn xuất hiện để lấn át thu hút sự chú ý. Nhưng bây giờ có thể ra tay từ đâu đây? Chẳng lẽ đang yên đang lành lại tự tạo tai họa?”

Bùi Hành Chiêu khẽ mỉm cười:
“Thuận theo ý họ mà nghĩ kế, thế là được rồi. Cũng chỉ là thi xem ai gan lớn hơn mà thôi.”

Sở Vương và Yên Vương đưa mắt nhìn nhau, trong mắt đối phương đều lóe lên ánh sáng hân hoan. Đồng thanh nói: “Thái hậu đã có đối sách rồi.”

Không phải nghi vấn, mà là khẳng định.

“Cũng coi như đã có đại khái phương án.”

Bùi Hành Chiêu vừa nói, vừa tăng nhanh tốc độ viết: “Chỉ là, cũng có liên quan đến các ngươi.”

Hai người khẽ gật đầu, ngồi yên một bên nhấm nháp trà thơm không dám quấy nhiễu nữa.

Viết xong mười mấy phong thư, Bùi Hành Chiêu tự tay dùng sơn mài niêm phong giao cho A Vũ cấp tốc đưa đi, rồi mới quay sang hai vị thân vương nói:

“Thật lòng mà nói, bình thường ai gia cũng không rảnh rỗi gì cho cam. Ta đã từng cho người điều tra tài sản của Tấn Dương cùng ba vị trọng thần phò tá nhiếp chính bên cạnh nàng ta.”

Điều tra tài sản của người khác, Yên Vương tin là chuyện thật nhưng điều tra tài sản của Tấn Dương… là thật sự điều tra được hay là nhân lúc cháy mà gom về? Hắn cười cười, đưa mắt nhìn Bùi Hành Chiêu.

Bùi Hành Chiêu thản nhiên lướt qua ánh nhìn ấy, dịu giọng nói:

“Văn thần cho rằng đám công hầu võ tướng ngồi hưởng sơn trân hải vị nhưng bọn họ lại chẳng nghĩ đến – có người dẫu giữ trong tay sơn hào hải vị thì cũng chỉ là để nhìn, có nghĩ đến cũng không đủ gan để nói ra. Lần này, ai gia sẽ lớn gan một lần.”

Hai vị Vương gia đã không còn mang nỗi giận trong lòng lại đều là người thông tuệ, nghe nàng vừa nói dứt lời đã hiểu ngay ý đồ.

“Thái hậu vừa nhắc đến Tấn Dương chẳng lẽ là định xuống tay từ hoàng thất tông thân?” Sở Vương trầm giọng hỏi.

Yên Vương thì đã cười xấu xa tán thưởng: “Chiêu này hay, chiêu này thú vị đấy.”

Sở Vương suy nghĩ một lát, cũng bật cười: “Lần này ắt hẳn là trận địa càng lớn, tính kỹ rồi thì e là ba năm năm năm cũng chưa xong.”

Thấy hai người đã hiểu rõ, Bùi Hành Chiêu không nói thêm chỉ đổi giọng cười cười: “Các ngươi không sợ lửa cháy lan tới thân mình à?”

“Còn hơn để bọn họ được toại nguyện.” Yên Vương đáp nhanh gọn.

“Phải, rốt cuộc cũng liên quan đến toàn bộ quan trường.”

Sở Vương thì nói càng chân thực hơn: “Hơn nữa, trước kia Tiên đế đúng là có ban thưởng cho chúng ta ruộng đất, châu báu nhưng khi đó thiên hạ chưa bình ổn, chúng ta đều không lĩnh thưởng nếu có lĩnh thì cũng đem phân phát lại cho dân. Nếu thật sự có kẻ hoàng thân quốc thích tích trữ tài sản thì cũng chẳng phải chỉ dựa vào những phần thưởng ấy.”

“Tấn Dương thì khác.” Yên Vương cười khẩy: “Cái gì đến tay là giữ chặt trong tay. Trong tay ta có hai tên ngôn quan. Đối với chuyện nàng ta xa xỉ lãng phí họ rõ như lòng bàn tay. Khi ta trở về sẽ bảo bọn họ biên soạn chứng cứ, đến thời điểm thích hợp thì dâng sớ lên.”

Bùi Hành Chiêu hỏi thêm: “Là chuyện nàng ta làm trong kinh hay ở địa phương? Nếu là ở địa phương thì ai gia có thể sắp xếp, đỡ dồn người cùng một chỗ.”

“Tất nhiên là mấy trò lố lăng ở trong kinh. Hai ngôn quan ấy đều là cấp ‘Cấp sự trung’, cũng là người sinh ra và lớn lên tại đây.” Yên Vương đáp: “Còn chuyện ở địa phương, ta phải cúi đầu mà làm người thì điều tra được ai cơ chứ? Nếu không phải…”

Nếu không phải chỉ vì một vụ hiểu lầm hồ đồ mà dẫn đến nghi kị nàng suốt bao năm. Nhưng câu này hắn không tiện nói ra.

“Thế thì tốt rồi.”

Sở Vương lúc này lại đang suy tính chuyện của Vu các lão:
“Hiện nay, án của Thôi các lão tuy chưa có kết luận nhưng người trong triều đều biết ông ta thế nào cũng không thể trở lại Nội các được nữa.

Theo thứ tự thì vị trí phó Tể tướng sẽ do Tống các lão tiếp nhận, chỉ khi Tống các lão phạm lỗi nghiêm trọng thì mới đến lượt Vu các lão đứng ra đảm nhiệm.

Lần này Vu các lão khởi đầu chuyện thị phi chính là vì muốn nhân cơ hội này đánh dấu một bút đậm trong công trạng của mình.

“Thái hậu dường như có phần đề cao Tống các lão, không biết hiện tại có thể sử dụng người này được không? Ông ta ở trong quan trường là kẻ giỏi luồn lách, họ hàng thân thích dây mơ rễ má rất rộng, còn giao du thân thiết với nhiều quan viên gần xa. Riêng phần ta thỉnh thoảng cũng uống rượu với ông ấy vài lần.”

Bùi Hành Chiêu vui vẻ gật đầu:
“Thật khéo, ai gia cũng đang có tính toán ấy. Chỉ là còn đang phiền lòng không biết tìm ai để chuyển lời. Nếu ngươi bằng lòng ra mặt vậy thì không còn gì tốt hơn, cứ việc tiết lộ ý định cho hắn biết.”

“Thế thì việc này chẳng thể chậm trễ, vi thần xin lập tức đi chuẩn bị.” Sở Vương đứng dậy.

Yên Vương cũng theo đó đứng lên: “Ta sẽ suy tính xem nên điều ai giỏi đánh trống khua chiêng mà thông cáo, tuyệt đối không thể để đám văn thần cùng nhau kết bè kết cánh.”

“Tốt, vất vả hai vị Vương gia rồi.” Bùi Hành Chiêu mỉm cười nâng chén trà, gọi Lý Giang Hải đến tiễn hai người ra cửa. Sau đó nàng thong thả bắt tay vào việc thanh tra tài sản của Tấn Dương.

Đến giờ Mùi chính, Bùi Hành Chiêu, Tấn Dương và các trọng thần lần lượt đến Dưỡng Tâm điện.

Hoàng đế trước tiên thi lễ với Bùi Hành Chiêu mời nàng an toạ, rồi mới gật đầu với những người còn lại, sai nội thị ban ghế ngồi.

Hai bên án thư rồng đều bố trí bàn ghế tử đàn và văn phòng tứ bảo đầy đủ. Bùi Hành Chiêu và Tấn Dương được sắp xếp ngồi ở hai bên trái phải.

Vu các lão tỏ ra rất sốt sắng, liền hướng về phía Thái hậu và Trưởng công chúa trình bày lại chuyện thu hồi đất phong, cuối cùng quay sang hỏi:
“Ý Thái hậu thế nào?”

“Vu các lão mượn danh ai gia mà hành sự, ai gia còn có thể thế nào nữa?” Bùi Hành Chiêu vẫn ôn hòa mỉm cười: “Việc này không phải chuyện có thể cân nhắc rõ ràng trong một sớm một chiều, các lão quá nôn nóng rồi.”

Kỳ thực nàng đã bố trí đâu vào đó nhưng nếu kéo dài thêm nửa ngày, lại càng giúp nàng nắm chắc phần thắng hơn. Dù là Tấn Dương bên kia đang đắc ý hay thấp thỏm thì đều chỉ có lợi cho nàng.

Vu các lão liền tiếp lời dò xét:
“Nghĩa là Thái hậu đồng thuận chăng?”

Chân mày bạc trắng của Trấn Quốc công khẽ động, ông tựa hồ muốn nói lại thôi.

Hoàng đế vừa thấy Vu các lão là đã tức nghẹn trong lòng, toan mở miệng quở trách thì thấy Bùi Hành Chiêu hơi lắc đầu ra hiệu.

Hắn lập tức hiểu ý vội thu lại vẻ mặt, nghiêm chỉnh nâng tấu chương lên xem, giả vờ như không để tâm lắm. Chưa thấy rõ ván cờ mà đã nổi nóng như một thần tử bị người khác giật dây, thật chẳng ra thể thống gì.

Tống các lão nghiêng người liếc hắn, rồi châm biếm:

“Thái hậu đã nói, đây không phải việc một hai ngày có thể đưa ra chương trình cụ thể, ngươi nghe không hiểu à?”

Vu các lão cau mày, định phản bác thì Tống các lão đã tiếp tục:

“Là ngươi đến tìm bọn ta bàn bạc, hay là Hoàng thượng, Thái hậu và Trưởng công chúa đến tìm bọn ta nghị sự? Ai nói với ngươi là sẽ tiếp tục dây dưa chuyện đất phong? Hoàng thượng, Thái hậu đã bảo cần phải cân nhắc thế mà ngươi lại nóng nảy như lửa đốt dưới chân, cứ như muốn lập tức thay trời hành đạo. Vậy thì ngươi làm đi, đi gõ cửa từng nhà mà thu hồi đất phong cho trọn nghĩa vụ đi.”

Lời nói như dao găm, vừa bóng gió vừa đội mũ chụp tội. Vu các lão nhất thời không dám nói thêm câu nào, trong lòng cũng ngầm thừa nhận mình quả thật đã quá nóng vội.

Muốn Tiểu Thái hậu rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan, chật vật khó xử thì sao chứ, ngày tháng phía trước còn dài, hà tất phải vội chứng kiến ngay lúc này?

Hoàng đế khẽ ho một tiếng, cất giọng:
“Hôm nay chủ yếu là bàn về vụ án của Thủ phụ Thôi các lão. Vụ này, Trương các lão thường xuyên theo dõi nhiều lần cùng người của Tam pháp ti tư gặp mặt, nắm rõ tình hình nhất. Trương các lão, xin ông trình bày cặn kẽ.”

Trương các lão kính cẩn lĩnh mệnh, đem từng việc lớn nhỏ kể từ ngày Thôi các lão bị bắt cho đến nay thuật lại rành rẽ, ý là muốn thông qua đó để cho Bùi Hành Chiêu nắm được tiến triển bên mình, để nàng yên tâm.

Bùi Hành Chiêu nhìn ra dụng ý ấy nên cũng chăm chú lắng nghe từng chi tiết một, trong lòng càng thêm chắc chắn rằng Thôi các lão chẳng còn trụ được bao lâu nữa, tâm trạng càng thêm sáng sủa, thong dong.

Hoàng đế cũng rất coi trọng các hành vi phạm pháp của thân hữu họ Thôi, lại vốn có ý kéo dài thời gian, liền càng thêm tường tận hỏi han Trương các lão.

Tấn Dương vẫn lặng im lắng nghe, tâm tình lại hoàn toàn trái ngược với Bùi Hành Chiêu. Thôi các lão vốn là một thanh đao sắc bén, nay lại vấp phải vũng lầy lớn như vậy cả đời này e là chẳng còn hy vọng nào để xoay chuyển cục diện, càng đừng nói đến chuyện khống chế được Trương các lão.

Chỉ không biết cái người họ Vu kia, rốt cuộc có dùng được không.

Lục bộ, Nội các là then chốt của triều đình, các viên nội các đều giữ trọng chức trong Lục bộ, song Nội các lại không thể đại diện hoàn toàn cho Lục bộ – như Trấn Quốc công là Thượng thư Bộ Lại, chưởng quản việc bổ nhiệm, điều động phân bổ quan lại cả thiên hạ. Chính vì quyền lực quá lớn nên không được vào Nội các mà còn bị Nội các kiềm chế quyền hành.

Nói ra cũng phải, tổ tiên họ Lương của Trấn Quốc công từng lập công theo rồng, nên từ khi khai quốc đến nay nhà họ Lương luôn hiển hách giàu sang, đãi ngộ của các đời Trấn Quốc công cũng ngang với thân vương trong tông thất. Bọn họ vốn xuất thân từ võ tướng, mà đời này lại chọn theo đường văn, được phong tới cực phẩm đại thần, quả là hiếm có.

Còn Trương các lão, vừa là Thượng thư Bộ Binh lại kiêm luôn Tả thị lang Bộ Lại. Ngày thường chức Tả thị lang ấy tuy là hư danh, song một khi có biến thì lại là thực quyền, có thể can dự vào việc của Bộ Lại. Nếu chức vụ không được trọng dụng như thế, ai lại dốc cả đời mình mưu cầu chiếc ghế này?

Dĩ nhiên, Thủ phụ cũng không thể toàn quyền thao túng cả triều chính. Ví như Bộ Binh dưới quyền, thì còn có Anh Quốc công – Đại đô đốc ngũ quân, cùng với các vị Tổng đốc giữ binh quyền nơi biên cương kiềm chế – Bộ Binh muốn thế nào nếu đối phương không thuận thì vẫn có thể bác bỏ, chỉ khi có cả công văn lẫn thánh chỉ thì mới có thể thi hành không một lời dị nghị.

Vốn dĩ là cục diện cực kỳ thuận lợi, thế nhưng hiện tại những vị trấn thủ biên cương phần lớn đều là người ủng hộ Bùi Hành Chiêu, sự kiềm chế mà Trương các lão đáng lẽ phải thực thi lại hóa thành trợ lực.

Vậy nên chỉ cần có một mình Thủ phụ đứng sau, Bùi Hành Chiêu cũng đủ sức cùng Tấn Dương chia thiên hạ làm đôi trong triều chính suốt nhiều năm. Chính vì bị thế cục này áp chế đến mức nghẹt thở nên Tấn Dương mới bất chấp hiểm nguy, ra tay động đến “miếng thịt đã vào miệng” của đám võ quan.

Nàng cũng chẳng phải thật sự muốn những công thần lừng danh bị đối xử ngang hàng với văn thần. Mục đích sau cùng là khiến bọn họ chịu nhượng bộ đôi chút, xuất huyết một phần để hiểu rằng triều đình nay đã chẳng còn là thời đại tôn võ khinh văn dưới triều Tiên đế. Cũng đừng tiếp tục xem Bùi Hành Chiêu như thần thánh hay ma quỷ nữa.

Bởi vì càng đứng ở chỗ cao thì e là nàng ta càng không thể mang lại an ổn lâu dài cho họ – xưa nay văn võ vốn không dung hòa. Văn thần chưa bao giờ là hạng dễ đối phó, đến lúc họ nắm được quyền cai trị thiên hạ đối với công thần nơi sa trường không bị dè chừng hay loại trừ từng người một đã là điều hiếm thấy rồi.

Đang mãi nghĩ ngợi, Hoàng đế cùng Bùi Hành Chiêu và Trương các lão đã bàn bạc xong phương án xử lý hậu sự vụ án nhà họ Thôi, liên tiếp hạ mấy đạo thánh chỉ và dụ chỉ.

Vụ án xem như sắp kết thúc, nhà họ Thôi chỉ e sẽ bị xóa tên khỏi kinh thành – đây là điều mà tất cả các trọng thần đều ngầm hiểu.

Bất tri bất giác trời đã sang giờ Thân chính. Hoàng đế thấy thời gian cũng vừa vặn liền dặn dò Tấn Dương sáng mai lên triều sớm, rồi mới cho các đại thần lui về, riêng lưu lại Thái hậu cùng Thủ phụ để bàn việc khác.

Chúng thần mỗi người mang một tâm tư, lục tục cáo lui.

Tấn Dương nhớ lại thần sắc của Hoàng đế và Bùi Hành Chiêu, lòng không khỏi phân vân: rốt cuộc là họ đã cam chịu nhận thua hay là đang nắm chắc phần thắng? Họ im lặng không nói là thực sự không có kế sách, hay chỉ đang cố ý kéo dài thời gian?

Ra khỏi cung, Tấn Dương khẽ gọi Trấn Quốc công lại, giọng nghiêm trọng mà trầm thấp:
“Bảo mấy vị đại thần sẽ thượng triều ngày mai chuẩn bị tấu chương, cùng nhau tiến cung dâng lời can gián.”

“Có phải hơi nóng vội quá chăng?” Trấn Quốc công nói: “Chuyện này vốn dĩ chẳng ai dám công khai phản đối, lửa nhỏ âm ỉ thì hay hơn lửa lớn bùng cháy. Nếu lửa cháy mạnh quá, e rằng sẽ thiêu cả chính mình.”

“Nếu chẳng ai dám bác bỏ, thì càng phải hành sự nhanh chóng.” Tấn Dương nghiêm giọng: “Quốc công gia, nếu nàng ta mà càng phải nén giận nhẫn nhịn thì ngày sau nổi dậy sẽ càng điên cuồng. Ngài không lạ gì tính khí của nàng ta, nếu để nàng tức đến cực điểm thì việc gì nàng chẳng dám làm.”

“Cũng đúng. Nàng ta mà nổi giận thì chẳng khác gì kẻ thảo khấu, đầu óc lại chẳng suy nghĩ như người thường.” Trấn Quốc công lắc đầu thở dài: “Thần đã rõ, sẽ lập tức truyền lời.”

Hai người mỗi người một ngả, vội vàng trở về phủ mình. Lập tức cho người rà soát lại xem có sơ suất nào không, rồi hoàn thiện thêm kế hoạch hành động, truyền đạt phương kế cho các nhân vật cần thiết.

Chỉ là, điều họ không ngờ tới chính là – vào buổi thượng triều sớm hôm sau, diễn biến sự việc lại hoàn toàn nằm ngoài dự đoán.

Bùi Hành Chiêu và Tấn Dương đồng thời lên triều. Sau khi các đại thần hành lễ rồi được cho phép bình thân, Hoàng đế liền vỗ nhẹ lên mấy bản tấu chương trên long án, trầm giọng nói:

“Đây là mấy bản tấu chương khẩn cấp, đêm qua đã được đưa đến tay trẫm. Trẫm xem đi xem lại lòng kinh hãi vô cùng.” Dứt lời, liền sai Lý Giang Hải dâng tấu lên cho Thái hậu và Trưởng công chúa xem qua.

Bùi Hành Chiêu đầu đội phượng quan long phụng, thân khoác áo dài tay sắc hoàng minh, mắt đảo qua tấu chương, thần sắc không đổi.

Tấn Dương đeo trang sức hoa lệ, phục sức đúng chuẩn phẩm cấp, sau khi xem xong, sắc mặt lập tức biến đổi.

Nàng vốn đã là kẻ mạo hiểm trước, không ngờ Bùi Hành Chiêu lại còn gan lớn hơn nàng!

Đúng lúc ấy, Sở vương và Yên vương cùng nhau bước vào. Cả hai đều giữ chức nhàn tản trong Ngũ quân đô đốc phủ. Ngày thường không dự triều nhưng nếu lấy thân phận thân vương mà lên điện, cũng là chuyện chính đáng.

Hoàng đế mỉm cười hòa nhã, ban tọa cho hai người: “Vừa hay trẫm muốn nói đến việc liên quan đến hoàng thất tông thân, hai vị cũng nghe một chút cho rõ.” Dứt lời, hắn cất giọng sang sảng: “Những bản tấu chương này là tố cáo hai vị công chúa – vốn đã có phong địa, ruộng đất được triều đình ban thưởng cũng chẳng ít, ấy thế mà vẫn không biết đủ còn ngang nhiên chiếm dụng ruộng đất của bách tính, hưởng thụ xa xỉ. Chư khanh đều khẩn cầu trẫm tìm cách trị căn trị ngọn.”

Hai vị công chúa bị dâng sớ buộc tội, một là An Bình đã bị giam giữ, người còn lại, chính là Tấn Dương đang ngồi ngay giữa kim điện.

Vu các lão lập tức tiếp lời: “Việc này đích xác không thể xem nhẹ, chỉ là, chuyện gì cũng phải phân rõ trước sau nặng nhẹ. Hai vị điện hạ có thật sự làm sai hay không chỉ cần Hoàng thượng phái người điều tra là rõ. Nhưng việc cấp bách trước mắt vẫn là thu hồi lại số ruộng đất ban thưởng. Nếu thành công, không biết sẽ mang lại lợi ích cho biết bao lê dân bá tánh, thần khẩn cầu Hoàng thượng sớm ra quyết đoán.”

Tống các lão lại một lần nữa đứng ở phe đối lập, cất giọng cười lớn: “Mọi sự trên đời đều phải tính ba bước, riêng Hoàng thượng, Thái hậu nương nương và Trưởng công chúa điện hạ lại càng phải tính mười bước. Nếu không phải chuyện kim chi ngọc diệp hệ trọng, Hoàng thượng sao phải đích thân nêu ra?” Dứt lời, bèn cúi người thi lễ: “Thỉnh Hoàng thượng định đoạt!”

Đối với biểu hiện mấy ngày nay của Tống các lão, Hoàng đế hết sức hài lòng, gật đầu mỉm cười: “Việc hoàng thân quốc thích được ban thưởng hậu hĩnh, hưởng vinh hoa phú quý, rốt cuộc có hợp lý hay không trẫm muốn cùng các ái khanh thảo luận một phen.”

Vu các lão vẫn chưa kịp phản ứng, vừa lo lắng vừa phẫn uất nhưng bởi liên quan đến hoàng thất, ông ta không thể nào tùy tiện xen lời vào.

Những người khác cũng thế. Ai dám giành nói những lời này chẳng khác nào thừa nhận Hoàng thượng sớm đã tiết lộ với mình trước, đến khi bước ra khỏi kim điện, tất sẽ trở thành mục tiêu công kích của quần thần.

Lúc này, Bùi Hành Chiêu lại quay sang nhìn Trấn Quốc công: “Lương Quốc công, những điều Hoàng thượng vừa nói, quan viên bình thường chưa chắc đã hiểu rõ nhưng người thì khác. Nếu ta nhớ không lầm thì đời đời Quốc công Lương gia vẫn luôn được hưởng đãi ngộ tương đương với thân vương?”

Trấn Quốc công khẽ khom lưng rồi nhắm mắt lại, trong lòng không khỏi thê lương. Bao nhiêu toan tính của Tấn Dương rốt cuộc vẫn không địch nổi ả “nữ thổ phỉ” đang ngồi trên cao kia. Không chừng, cả ông và Trưởng công chúa cũng bị kéo vào làm mồi lửa. Dẫu thế, lời vẫn không thể không đáp nhưng cũng không thể theo chiều gió mà tuôn hết nhà sản, đành bẩm:
“Lão thần tuổi đã cao lại không rành việc nhà, Thái hậu nương nương đột nhiên hỏi tới, thần thật chẳng biết nên nói từ đâu.”

Bùi Hành Chiêu mỉm cười: “Lương Quốc công nhớ không rõ, thì ai gia lại có nhớ chút ít.”

Hoàng đế vội tiếp lời: “Mẫu hậu cứ nói rõ ra cho mọi người nghe.” Việc tính toán, kê khai gì đó, đừng ai mong trẫm nhớ nổi – cứ nhìn mấy bản danh sách là trẫm đã chóng cả mặt rồi.

Bùi Hành Chiêu gật đầu, giọng nói trong trẻo như ngọc rơi mâm son, vang vọng rõ ràng khắp kim điện:

“Trong triều ta, mỗi năm một vị thân vương được cấp năm vạn thạch lương thực, mười lăm nghìn lượng bạc trắng, trăm xấp gấm vóc, năm trăm xấp tơ lụa các loại cùng ngàn xấp sa la, bố hạ, bố đông. Ngoài ra, đất đai ban cho cũng không dưới năm sáu nghìn mẫu. Mọi nhu cầu thường nhật cung đình đều sẽ ban phát chu toàn đúng lúc. Lương Quốc công, ai gia nói có sai chăng?”

Trấn Quốc công lúng túng, đáp:
“Lão thần tuổi đã cao, thực sự không nhớ rõ…”

Cứ tiếp tục giả ngây giả dại.

Các triều thần còn lại thì sắc mặt muôn hình muôn vẻ – người thì kinh ngạc, người thì ghen tị, cũng có người không giấu nổi bất mãn.

Yên vương lại cất lời: “Thái hậu nói không sai.”

Sở vương tiếp lời: “Hơn nữa, Thái hậu chỉ mới nói qua loa tình hình, thực tế còn hậu đãi hơn thế rất nhiều. Cũng chính vì vậy, bản vương và Yên vương thường cảm thấy bất an. Chúng thần tuy từng phục vụ bách tính, vào ra quân doanh nhưng rốt cuộc cũng không lập được chiến công gì, so với một tiểu thành chủ trấn thủ nơi biên cương cũng tự cảm thấy hổ thẹn.”

Lời này đánh trúng điều Hoàng đế vốn đã định hướng, bèn nhân đó mở rộng: “Ngay cả Thái hậu năm xưa lập đại công, Tiên đế cũng chỉ ban thưởng hai ngàn mẫu ruộng tốt, mười ngàn lượng bạc trắng, bốn mùa có cung ứng, không cần nói nữa – tính ra còn chưa bằng một phần mười ba của thân vương. Còn những vị danh tướng khác được thưởng một ngàn mẫu đã là cực kỳ hiếm hoi, các phần thưởng khác lại càng không bằng khi xưa ban cho Thái hậu.”

“Đúng vậy.” Yên vương nhướng mày, ánh nhìn như có như không rơi lên người Vu các lão, giọng nói pha lẫn ý châm biếm: “Người ta liều chết giữa khói lửa binh đao nhiều năm mới đổi lấy được thiên hạ thái bình, không ban thưởng mới là trái đạo trời. Nay bọn họ trấn thủ các nơi để kinh thành này được ngày đêm an giấc, chẳng từng kêu công kể khó vậy mà có người đã nhòm ngó tới gia sản của họ.”

“Lại còn giương cờ đạo nghĩa Thái hậu, miệng toàn lời nhân đức bao dung nhưng trong mắt bản vương chỉ thấy một thân một thể toàn là khí chất nghèo hèn. Nếu phần thưởng ấy bản vương ban cho ngươi, ngươi dám đem mạng đổi lấy không? Dù có chết được, thì ngươi cứu nổi mấy người dân?”

Hoàng đế và Sở vương đều bật cười khẽ mà không lên tiếng. Yên vương vẫn cái tính ấy, mở miệng lúc nào cũng có thể khiến người khác nổi điên.

Vu các lão dù nhẫn nhịn đến đâu, bị giễu cợt thẳng mặt như vậy cũng không giữ nổi thể diện, lập tức phản bác:
“Vương gia nói vậy há chẳng thiên lệch sao? Thần sở dĩ dâng lời khuyên can, chính là xuất phát từ tấm lòng yêu dân của Hoàng thái hậu, đồng thời cũng là để xoa dịu lòng bất mãn của các văn thần. Đúng là khi chiến loạn phải nhờ vào ngàn vạn tướng sĩ nhưng khi thiên hạ thái bình, cũng cần có văn thần đồng lòng hiến kế, cải thiện sinh kế, khai mở thịnh thế. Xưa nay, quan trọng nhất vẫn là lòng dân. Thần vì lý tưởng đó mà can gián, há có gì sai trái?”

Yên vương khẽ hừ lạnh, khinh bỉ cười: “Chờ đến khi đa số văn thần thực sự có cống hiến, rồi hãy tính đến chuyện mơ mộng vào túi bạc của người khác. Ngươi mà có chút chiến tích ra hồn cũng không đến nỗi phải bày trò thế này. Có lẽ là do đời tướng trẻ chúng ta nhẫn nhịn quá, khiến ngươi nghĩ chẳng ai động thủ được với ngươi. Nhưng đã làm chuyện trái đạo, sớm muộn cũng gặp quả báo – về sau ăn cơm uống nước nhớ cẩn thận, nghẹn chết sặc chết cũng không sao nhưng lỡ cười chết thêm vài người thì không hay lắm đâu.”

Tống các lão cùng một vài vị đại thần khác không nhịn được, khẽ khàng bật cười.

Vu các lão giận đến tím mặt, suýt nữa thì ngửa ra ngất ngay tại chỗ.

Tấn Dương khẽ ho một tiếng, ánh mắt không mấy hài lòng liếc Yên vương một cái: “Đủ rồi, càng nói càng lạc đề.”

Sau đó nàng quay sang Hoàng đế và Thái hậu, trầm giọng: “Ý của Vu các lão, hẳn là muốn phân rõ: việc của hoàng thất là việc của hoàng thất, việc của thần tử là việc của thần tử. Hai chuyện này vốn không xung đột. Theo vi thần thấy, chẳng ngại gì mà không bắt đầu từ dễ đến khó, trước thu hồi ruộng ban thưởng cho quan viên rồi mới tính tới những phần thưởng của hoàng thân quốc thích.”

Phủi nhẹ tay áo, Thái hậu Bùi Hành Chiêu khẽ mỉm cười, dung nhan không động nhưng giọng nói đầy khí độ: “Ai gia lại không nghĩ vậy. Chính như Vu các lão cứ lặp đi lặp lạ – việc gì cũng có thứ tự nặng nhẹ. Hoàng thân quốc thích được hưởng phong thưởng quá mức, so với quan viên trong triều thì đông hơn nhiều, lại còn có kẻ lòng tham vô đáy một mực vơ vét. Đã vì dân mà nghĩ thì dĩ nhiên nên từ nơi gánh nặng lớn nhất mà xuống tay trước.”

Tấn Dương khẽ nhướng mày, ẩn hiện sát khí: “Vi thần không rõ, cớ sao không thể đồng thời thực hiện?”

Thái hậu đưa cằm ra hiệu về phía tấu chương trước mặt nàng: “Hai vị công chúa xa xỉ vô độ, cưỡng chiếm ruộng đất bá gia, cần phải tra rõ. Có hay không cùng một giuộc với nhau, lại càng phải tra. Người trong hoàng thất vốn đang đứng bên bờ vực còn những quan viên được ban ruộng kia lại chưa hề làm điều sai trái. Nếu đã vậy, vì sao không bắt đầu từ hoàng thất?”

“Nha môn của triều đình cũng chỉ có ngần ấy, vụ án của Thôi các lão còn khiến Tam Pháp Ty ngày đêm bận rộn. Chuyện của hoàng thất rối rắm muôn đầu, nhân thủ đã không đủ việc thu hồi ruộng ban, Tấn Dương ngươi định giao cho ai làm?”

“Là ngươi, là Trấn Quốc công, hay là Vu các lão? Ngươi và Trấn Quốc công đều đang ngồi hưởng phong lộc hoàng tộc, nói lời gì mới khiến người ta tin? Vu các lão chẳng là Thủ phủ, cũng chẳng là Thứ phủ, chỉ là Lễ bộ Thượng thư, lời nói liệu có ai nghe?”

“Từ bao giờ, việc ban ruộng lại thành chuyện liên quan đến lễ pháp? Dù là công huân võ tướng có biết giữ mình cũng phải có người đủ tư cách đứng ra nói chuyện mới được, yêu cầu ấy chẳng quá đáng chứ?”

Vừa dứt lời, Sở vương và Yên vương đồng thanh tiếp lời: “Không quá đáng.”

Thái hậu quay sang hai người mỉm cười, xem như cảm tạ. Sau đó tiếp tục nhìn Tấn Dương, thanh âm dịu dàng nhưng từng lời như kim thạch phóng tới:

“Các ngươi miệng nói vì dân nhưng vào thời buổi thế cục mới định, người dân kính trọng nhất lại là tướng sĩ. Tướng sĩ dùng chiến công đổi lấy chức quan bổng lộc, từ xưa đến nay vốn là quy củ. Chỉ cần bọn họ không chiếm ruộng cướp nhà dân, dân chúng sẽ không oán thán.

Nếu lúc này triều đình ra chiếu thu hồi ruộng ban, e rằng dân chúng sẽ đứng về phía tướng sĩ, oán trách triều đình bất công, lúc đó há chẳng phải mất nhiều hơn được?”

Thấy Tấn Dương còn định phản bác, Thái hậu dứt khoát không nể mặt nữa, phất tay áo nhẹ một cái, lạnh lùng nói:

“Ý của Hoàng thượng và ai gia đã rõ ràng. Việc thu hồi ruộng ban không phải không làm nhưng phải cần có thứ tự. Ruộng đất sạch sẽ minh bạch, để võ tướng công thần tạm thời trông nom; phần nghi vấn dơ bẩn thì ra tay tra trước.”

“Tấn Dương ngươi là một trong hai công chúa bị dâng sớ tố cáo, vốn nên tránh điều tiếng không lên tiếng còn đỡ, nay lại cùng Vu các lão hùa nhau hô hào quá mức, ai gia đành phải đắc tội vậy.”

Tấn Dương cắn chặt răng, một luồng khí đục xông thẳng lên ngực, nghẹn đến mức khiến nàng hít thở không thông.

Vốn tưởng rằng dù có thua cũng chỉ là nhường nhau một bước, không ngờ lại bại đến thê thảm nhường này. Thậm chí còn kéo cả Trấn Quốc công cùng lún sâu.

Thế nhưng chuyện vẫn chưa dừng lại, bên kia Hoàng đế đã vội vàng xát muối vào vết thương:

“Thái hậu có nói hay không cũng thế thôi, An Bình và Tấn Dương bị người dâng sớ tố tội, chứng cứ rõ ràng rành rành. Việc này tất phải do Cẩm y vệ phối hợp Hình bộ tra xét kỹ càng. Nếu các người có thể chủ động giao nộp sổ sách tài sản, tức là tâm không quỷ kế. Còn nếu không, trẫm đành thay các người đích thân kiểm tra vậy.

Nói cho cùng, Tấn Dương ngươi thân là Trưởng công chúa vốn nên phụ tá hoàng thất chỉnh lý những tàn quy chế cũ, nếu có thể làm gương, trẫm và Thái hậu đều sẽ ghi nhớ công lao này.

Còn Trấn Quốc công, chẳng hay khanh có cho rằng tất cả những gì được ban tặng đều là xứng đáng? Cũng xin trình một tấu chương, viết rõ ràng minh bạch, nếu cần cắt giảm thì nên giảm đến mức nào…”

Từng lời, từng câu nện xuống như đá tảng khiến đầu óc Tấn Dương ong ong, tiếng nói của người ngôi trên ngôi kia dường như ngày càng xa vời.

Nàng không rõ mình đã cáo lui ra sao, càng không nhớ mình làm thế nào bước chân ra khỏi Kim điện.

Trước điện, Bùi Hành Chiêu đã đứng đó, yên lặng chờ nàng.

Tấn Dương bước tới, chân váy xòe nhẹ, ánh mắt sắc như đao kiếm, giọng nói lạnh băng: “Ngươi không thấy mình đã đi quá giới hạn rồi sao?”

“Không thấy.”

“Ta chẳng qua chỉ muốn xoay chuyển thế cục triều đình trọng võ khinh văn, chỉ mong quan trường có thể trăm hoa đua nở.”

“Trăm hoa đua nở?” Bùi Hành Chiêu nhướng mày cười khẽ, tư thái như ngự trên thiên hạ, giọng điệu không chút nhún nhường: “Ta chỉ tin, sau khi hoa của ta nở là lúc trăm hoa khác phải chết.”

Tấn Dương bật cười. Nàng chỉ có thể cười. Ngoài nụ cười ấy, nàng không còn lời nào để đáp lại.

Bùi Hành Chiêu lặng lẽ nhìn nàng, ánh mắt trầm lắng: “Ngươi phạm điều ta kiêng kỵ, hẳn là nghiện rồi nhỉ? Nhưng ngươi cũng nên biết, điều ta giỏi nhất chính là làm loạn cùng người. Ta nhẫn nhịn ngươi đủ rồi, giờ đến lượt ta truy cùng đuổi tận.”

 

—-------------------------------------------

Tác giả có lời muốn nói:

Theo quy định phải chú thích nguồn: “Ta chỉ tin, sau khi hoa của ta nở, là lúc trăm hoa khác phải chết” lấy từ bài 《不第后赋菊》 của Hoàng Sào.